Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Đấu thầu trực tuyến: Quá chậm!

Đấu thầu trực tuyến: Quá chậm!

13-12-2008 23:25:49 GMT +7

Sơ đồ cách thức đấu thầu hiện tại
Ứng dụng đấu thầu trực tuyến có thể giúp quốc gia tiết kiệm hàng chục tỉ USD mỗi năm

Lập kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, nhận hồ sơ đấu thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ, thẩm định và phê duyệt, hoàn thiện hợp đồng, ký hợp đồng... Phải trải qua ít nhất 8 giai đoạn và khá nhiều thủ tục, một dự án mới được chuyển đến tay nhà thầu thông qua giấy tờ, con dấu, văn bản...

Hiện trạng đáng ngại

Trao đổi tại diễn đàn Thương mại điện tử VN 2008, tổ chức tại TPHCM vừa qua, ông Phạm Thế Hùng, Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, khẳng định: “Đấu thầu hiện nay tại VN đang tồn tại nhiều bất cập”.

Lướt qua website của Cục Đấu thầu, dễ dàng tìm thấy khá nhiều thông báo đang trong thời hạn mời thầu. Trong đó, giá bán hồ sơ mời thầu biến thiên trong khoảng 500.000 đồng/ bộ (gói thầu xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỉnh và cung cấp trang thiết bị phần cứng, phần mềm, đào tạo, chuyển giao công nghệ, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý và ứng dụng GIS quản lý hành chính và môi trường tỉnh Hưng Yên) đến 1 triệu đồng (gói thầu xây lắp và thiết bị thuộc dự án xây dựng mới Trường THCS Trung An, Củ Chi-TPHCM). Trung bình mỗi gói thầu có đến 20 nhà thầu tham dự, cộng dồn với chi phí đi lại của nhà thầu khi mua hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, in ấn tài liệu... có thể thấy, khoản tiền bỏ ra cho hoạt động này là không nhỏ.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện một hoạt động đấu thầu kéo rất dài, hiện nhà thầu phải mất đến gần 10 ngày để nhận, chuyển tài liệu thầu qua đường bưu điện. Theo Luật Đấu thầu hiện hành, thời gian tính từ khi sơ tuyển thầu đến khi đánh giá hồ sơ, thẩm định kế hoạch thầu có thể lên đến hơn 100 ngày. Ông Phạm Thế Hùng tiết lộ: “Các đối tượng tham gia trong hoạt động đấu thầu cũng chưa tuân thủ các quy định về cung cấp thông tin đấu thầu”. Lý do của hiện trạng này chính là do việc nộp hồ sơ trực tiếp bằng văn bản. Mỗi bộ hồ sơ có 1 bản chính nhưng phải có từ 5 đến 6 bản sao. Mỗi nhà thầu làm một kiểu, việc cung cấp thông tin không nhất quán cũng là điều dễ hiểu.

Siêu tiết kiệm

Sự tốn kém của đấu thầu theo phương pháp cũ khiến các nhà quản lý thế giới khi tiếp xúc với mô hình đấu thầu trực tuyến (ĐTTT) với thái độ nồng nhiệt. Chỉ với một hệ thống bao gồm trang web để có môi trường giao dịch, liên kết với ngân hàng để có phương tiện thanh toán, chứng thực số; chữ ký điện tử... ĐTTT đã có thể vận hành. Đánh giá tiện ích của ĐTTT, ông Phạm Thế Hùng nhận định: “Phương thức mới sẽ tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, giúp Chính phủ giám sát việc mua sắm chuyên nghiệp hơn, hạn chế những chi phí “lót tay” nên sẽ nâng chất lượng các gói thầu”. Không thể phủ nhận, với cách làm này, Vụ Quản lý đấu thầu cũng như các nhà thầu sẽ loại bỏ được các công việc lặp đi lặp lại, rút ngắn được quy trình mua sắm.

Các quốc gia ứng dụng ĐTTT cũng đã chứng minh lợi ích mà nó mang đến. Theo thống kê, khi ứng dụng ĐTTT tại Đức, chính phủ đã có thể giảm được 10%-30% giá thầu và 25%-75% chi phí giao dịch. Tại châu Âu, chi phí cho việc chuyển sang sử dụng hệ thống đấu thầu trên mạng ngốn 10 triệu euro ngân sách, nhưng việc dừng phân phối các hồ sơ tài liệu bằng giấy đã tiết kiệm đến gần 70 triệu euro/năm. Đặc biệt là khoảng thời gian tiến hành, từ khi có yêu cầu đến khi ký hợp đồng đã giảm từ 52 ngày xuống chỉ còn 10-15 ngày. Tính gọn trong 4 tháng của năm 2003, riêng tại Romania, có khoảng 1.000 cơ quan mua sắm và 8.000 nhà cung cấp tham gia với hơn 60.000 giao dịch trên hệ thống ĐTTT, tiết kiệm được 22% chi phí, tương đương với 35,5 triệu USD.

Hành trình dài hơi

Hiệu quả kinh tế lẫn quản lý chất lượng đều thuyết phục nhưng muốn triển khai hệ thống ĐTTT, VN phải mất đến 7 năm (?!). Theo dự án ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ, việc ứng dụng đấu thầu trực tuyến phải qua 2 giai đoạn. Từ năm 2008 đến 2010 là giai đoạn thử nghiệm với 3 đơn vị là EVN, VNPT và TP Hà Nội trong việc mua sắm các mặt hàng chuẩn hóa và có sẵn trên thị trường. Hệ thống thử nghiệm bao gồm: chuẩn bị đấu thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, công bố kết quả đấu thầu qua mạng... Năm năm sau đó mới tiến tới hoàn thiện khung pháp lý và vận hành chính thức ĐTTT. Nhận định vấn đề trên, ông Phạm Thế Hùng cho biết: “Đúng là quá trình tương đối dài. Nguyên nhân không phải về kỹ thuật mà do cần xây dựng nhận thức. Đây lại là vấn đề thuộc các cơ quan chức năng của Chính phủ”.

Trong khu vực, chỉ mất 4 năm xây dựng nhưng Hàn Quốc đã tiết kiệm được 17,1 tỉ USD/năm từ khi ứng dụng ĐTTT. VN hoàn toàn có thể tiết kiệm được khoản tiền tương đương. Kéo dài quy trình ứng dụng ĐTTT, phải chăng là việc đi ngược lại với việc kêu gọi chống khép kín trong đấu thầu, hạn chế gói thầu chỉ định của Nhà nước hiện nay?

Minh Khuê (báo Người Lao Động)

Không có nhận xét nào: